Động cơ của PWYW Trả bao nhiêu tùy thích

Đôi bên cùng có lợi

  • Trao quyền cho người mua trong việc định giá có thể sẽ đem lại những thành công đáng kể trong vài trường hợp bởi vì việc này có thể sẽ loại bỏ những yếu tố bất lợi của việc định giá thông thường. Người mua dễ bị thu hút bởi việc có thể trả bao nhiêu tùy thích bởi họ không hề thích rủi ro. Khi trả bao nhiêu tùy thích, người mua sẽ không phải lo sợ rằng sẽ phải trả một khoản tiền không đáng so với mức giá cho sẵn, dẫn đến việc cảm thấy thất vọng và hối hận khi phải bỏ tiền cho sản phẩm hoặc dịch vụ không tương xứng với mong muốn và nhận định của họ.[2]
  • Đối với người bán, điều này tránh được những thách thức và tốn kém cho việc nghiên cứu và xem xét để đưa ra một mức giá hợp lý. PWYW cho phép họ biết được khách hàng nhận định như thế nào về sản phẩm và mức giá họ sẽ chi trả cho sản phẩm. Điều này giúp người bán có thể dễ dàng xác định được giá bán mà không cần phải tốn quá nhiều chi phí và công sức về việc nghiên cứu thị trường.[2]

PWYW đã làm biến đổi mối quan hệ mâu thuẫn về lợi ích giữa người mua và người bán khi tập trung vào giá cả trở thành một mối quan hệ tương hỗ đôi bên cùng có lợi khi tập trung vào giá trị của sản phẩm/dịch vụ và lòng tin giữa đôi bên với nhau; đồng thời cũng giải quyết được vấn đề nhận thức về giá trị của sản phẩm/ dịch vụ và độ nhạy về giá là khác nhau ở mỗi khách hàng. Mặc dù hầu hết PWYW chỉ được sử dụng cho những dịp khuyến mãi đặc biệt, vẫn có rất nhiều nỗ lực gần đây mong muốn sẽ sử dụng chiến lược này rộng rãi và thường xuyên hơn.

Tuy nhiên, sự chuyển giao quyền lực cho khách hàng trong việc định giá lại là con dao hai lưỡi. Với PWYW, nhiều khách hàng không trung thực và có thể bỏ đi mà không phải trả bất cứ điều gì, hoặc trả thấp hơn những gì họ ước tính về giá trị của sản phẩm. Hoặc khách hàng có thể trung thực, nhưng lại cảm thấy bối rối về việc suy nghĩ một mức giá phù hợp và đưa ra mức giá không tương xứng với nhận định của họ.

Phân biệt giá (price discrimination)

Một nguyên nhân khác mà người bán áp dụng chiến lược giá PWYW, đó là phân biệt giá. Hãy nghĩ về giá tiền bạn sẽ trả cho một phần bơ nghiền bữa sáng. Đối với một số người, câu trả lời sẽ là $10, một số khác sẽ là $20. Nhà hàng định giá cho sản phẩm này là $15, điều này sẽ làm mất đi khá nhiều khách hàng là những người chỉ sẵn lòng trả là $10 và cũng bỏ lỡ việc thu lợi nhuận từ những người sẵn lòng trả $20. Cho phép khách hàng có thể trả với mức giá họ muốn, nhà hàng sẽ có thể thành công trong việc phục vụ cho những nhóm khách hàng này. Nếu chi phí bỏ ra cho món bơ nghiền là đủ thấp so với tổng mức giá khách hàng chi trả, cửa hàng sẽ có được lợi nhuận cao hơn, đặc biệt là lợi nhuận từ những khách hàng chi trả nhiều hơn so với mức giá cho sẵn.[2]

Thâm nhập thị trường

PWYW cũng là một công cụ hiệu quả để thâm nhập một thị trường mới hoặc giới thiệu một thương hiệu mới. Chiến lược này dễ dàng thu hút số lượng lớn người mua bởi vì ngay cả những người tiêu dùng có định giá rất thấp cũng có thể trả số tiền nhỏ hơn cho cùng một sản phẩm.[2]

Cạnh tranh

PWYW cũng là một cách để có thể loại bỏ hoặc giảm bớt sự cạnh tranh, đặc biệt là ở khía cạnh giá. Trong khi đối thủ đưa ra mức giá cho sản phẩm/dịch vụ và khách hàng buộc phải trả đúng mức giá thì PWYW cho phép khách hàng có thể trả ít hơn. Điều này không chỉ giúp thu hút số lượng lớn khách hàng mà còn là ưu thế giúp loại bỏ đối thủ ra khỏi thị trường.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trả bao nhiêu tùy thích https://quickbooks.intuit.com/r/marketing/pay-what... https://www.odditycentral.com/news/chinese-restaur... https://aisel.aisnet.org/cais/vol30/iss1/10/ https://www.coursera.org/lecture/marketing-digital... https://www.pnas.org/content/109/19/7236 https://en.wikipedia.org/wiki/Name_Your_Own_Price https://en.wikipedia.org/wiki/Pay_what_you_can https://en.wikipedia.org/wiki/Pay_what_you_want https://en.wikipedia.org/wiki/Wikipedia:Fundraisin... https://zenodo.org/record/894406#.XtShnjozZPY